Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

HƯỚNG DẪN TRỒNG NẤM SÒ ĐÙI GÀ
HƯỚNG DẪN TRỒNG NẤM SÒ ĐÙI GÀ

Nấm sò đùi gà (L.shimeji) có nguồn gốc từ Nhật Bản, mới được nhập nội và trồng thành công ở nước ta trong vài năm gần đây.
Đây là loại nấm dược liệu ăn ngon, chất lượng cao, hàm lượng protein cao từ 3-6 lần so với các loại rau thông thường lại có chứa đủ nhiều loại acid amin không thay thế, tức là những loại mà cơ thể con người không thể tự tổng hợp được nên có tác dụng bồi bổ sức khỏe con người và phòng trị các bệnh huyết áp cao, xơ gan, đái tháo đường… rất tốt.
Hiện nay một số cơ sở trồng nấm ở nước ta đã bắt đầu trồng loại nấm mới này đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, cung cấp thêm cho xã hội một sản phẩm mới có giá trị. Nấm có thể mọc chùm hoặc mọc đơn, có màu trắng, cuống nấm hình đùi gà dài từ 4-10cm, đường kính mũ nấm từ 3-6cm. Năng suất nấm sò đùi gà đạt khoảng 30-35 kg nấm tươi/100 kg nguyên liệu khô, khả năng xuất khẩu rất tốt.

Để nuôi trồng được loại nấm sò đùi gà bà con cần chú ý một số yêu cầu cơ bản sau đây:
Nguyên liệu:
– Gồm các loại mùn cưa, bông phế thải, bột ngô, cám gạo, bột nhẹ, nước vôi trong. Tốt nhất là mùn cưa các loại gỗ như cao su, bồ đề nhưng nên dùng các loại mùn cưa mới, bông phế thải từ các nhà máy dệt.
– Công thức để phối trộn 100 kg nguyên liệu là: 40 kg mùn cưa đã ủ + 45 kg bông phế thải đã ủ và xé nhỏ + 10 kg cám gạo + 4 kg bột ngô + 1kg bột nhẹ.
Thời vụ nuôi trồng:
Trong điều kiện tự nhiên có thể nuôi trồng nấm sò đùi gà tốt nhất vào mùa đông, từ tháng 12 đến tháng 2. Nếu có điều kiện đầu tư nhà lạnh, kho mát để nuôi trồng theo phương pháp công nghiệp thì có thể nuôi trồng quanh năm.
Lò khử trùng:
Là một thao tác bắt buộc đối với nuôi trồng nấm các loại nói chung, nấm đùi gà nói riêng. Lò khử trùng được xây bằng gạch với kích thước 2m x 2m x 3m. Khoang dưới cùng để đốt than hoặc củi. Trên cùng là khoang chứa các bịch nguyên liệu. Chú ý: khoang này phải có cửa cao 1,3m, rộng 0,8m để nạp và tháo dỡ bịch nguyên liệu trước và sau khi hấp khử trùng. Giữa khoang này nên bố trí một lỗ nhỏ đặt nhiệt kế hoặc đồng hồ đo nhiệt để kiểm tra trong quá trình vận hành.
Phòng cấy giống phải sạch sẽ, thoáng mát. Trước khi cấy giống, phòng cấy phải được thành trùng toàn bộ bằng cách phun foocmon. Trong phòng chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cấy giống đã được khử trùng sạch sẽ.
Phòng nuôi sợi để ươm sợi sau khi cấy giống phải được bố trí ở nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, có cửa ra vào và lối đi thuận tiện giữa các gian rộng để tiện chăm sóc và vận chuyển. Giàn giá nên có nhiều tầng để tăng diện tích; mỗi giàn nên làm 5-7 tầng, mỗi tầng cách nhau 50-60cm để xếp các bịch nấm. Trong phòng nuôi sợi nên duy trì nhiệt độ thường xuyên từ 23-27oC, độ ẩm không khí 65-70% là tốt nhất. Đối với giai đoạn nuôi sợi không cần nhiều ánh sáng vì vậy cần để phòng tối bằng cách che hết các cửa.
Phòng ra quả thể là giai đoạn cuối để chờ thu hoạch nấm, cần có những điều kiện: nhiệt độ duy trì ở 25-28oC; ánh sáng khuyếc tán, tức là ánh sáng đủ để một người bình thường có thể đọc báo được hoặc là ánh sáng điện mờ cố định từ 5-8 giờ/ngày; duy trì độ ẩm không khí từ 85-95%. Phòng ra quả thể nên thiết kế thông thoáng, có nhiều tầng giàn để tăng diện tích sử dụng, có lối đi lại chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển dễ dàng, thuận tiện. Khi thấy sợi tơ đã ăn trắng túi, tháo bỏ nùi bông trên cổ túi, tăng độ thoáng và ánh sáng giúp kích thích các sợi tơ kết hợp với nhau nhanh hơn, chuẩn bị hình thành quả thể. Sau khi tháo bông 7 ngày đầu không tưới thì nấm xuất hiện quả thể trên cổ túi, lúc nầy nấm cần nước nên vừa tưới phun sương trước miệng cổ túi phôi, vừa tạo ẩm môi trường xung quanh 2-3 lần/ngày.
Thu hoạch:
Từ lúc nấm ra đỉnh ghim đến lúc thu hoạch là 4 ngày. Dùng tay cầm cuống nấm kéo nhẹ, chỉ lấy phần cuống nấm. Thu xong một đợt phải quan sát và thu hết những chân nấm còn sót lại bên trong cổ túi phôi, tiếp tục chăm sóc để thu các lứa tiếp theo.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét