Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016


KỸ THUẬT TRỒNG NẤM BÀO NGƯ (NẤM SÒ)

I.GIỚI THIỆU
– Nấm sò có hình dạng như con sò, mũ nấm mọc lệch, có mũ nấm, phiến và cuống.
– Nấm sò có màu trắng, đen, xám, nâu, vàng là tùy thuộc vào chủng giống.
– Nấm sò sử dụng thức ăn là xenlulô trực tiếp từ nguyên vật liệu trồng nấm.
– Nấm có nhóm giống chịu lạnh mọc tốt ở nhiệt độ 13 – 200C và nhóm chịu nhiệt mọc tốt ở 20 – 280C.
– Nấm phát triển tốt ở độ ẩm cơ chất 60 – 65%, độ ẩm không khí 80 – 85%.
– Sợi nấm phát triển không cần ánh sáng, khi nấm mọc cần có ánh sáng khuếch tán chiếu đến từ mọi phía.
– Độ thông thoáng: vừa phải, không có gió thổi trực tiếp.

II. KỸ THUẬT TRỒNG
1. Xử lý nguyên liệu
– Nguyên liệu phổ biến nhất là rơm rạ, bông phế thải, mùn cưa. Lượng rơm rạ để ủ tối thiểu là 300 kg mới lên nhiệt.
– Khi ủ làm ướt rơm rạ bằng nước vôi với tỷ lệ 4,0 kg vôi tôi hòa tan trong 1000 lít nước.
– Đống ủ có kệ lót cách mặt đất 20 cm, có cọc thông khí ở giữa, xung quanh quây nilon, để hở phía trên, có mái che cao trên nóc để tránh mưa.
* Đảo lần 1:
– Sau khi xếp đống ủ 3 ngày, kiểm tra nhiệt độ đống ủ từ 65-70 0C là được.
– Giũ tơi rơm, chỉnh độ ẩm, dùng tay vắt chặt rơm, nếu thấy chỉ có nước chảy nhỏ giọt như truyền huyết thanh là vừa. Nếu vắt không thấy nước rỉ ra tức là rơm bị khô, tay pha nước vôi theo tỉ lệ như ban đầu rồi tưới lại vào đống ủ.
– Đảo, xếp rơm vào đống ủ, đảo từ trên xuống dưới, trong ra ngoài cho đều. Quây nilon như ban đầu.
* Đảo lần 2: Băm rơm.
– Sau khi đảo lần 1, ủ lại 3 ngày rồi tiến hành băm rơm dài 8-10 cm.
– Chỉnh độ ẩm thật chuẩn: Vắt rơm nếu thấy ướt vân tay là được. Nếu khô thì bổ sung thêm nước bằng cách phun sương. Nếu rơm ướt quá thì tãi rơm để hong gió cho bay bớt hơi nước.
– Đảo xếp đống ủ, vẫn duy trì cột thông khí và nilon quây xung quanh.
– Sau 2 ngày tiến hành đóng túi, cấy giống nấm.
2. Đóng túi, cấy giống nấm sò
– Trồng nấm sò dùng túi nilon (polyethylen PE) kích thước 30 x 40 cm (mùa hè), 35 x 50 cm (mùa đông). Túi được gấp đáy vuông.
– Nhồi nguyên liệu vào túi; lớp dưới cùng cao 3-4 cm cấy một lớp giống xung quanh thành túi; các lớp sau cao 6-7 cm, tiếp tục cấy giống xung quanh thành túi trên mỗi lớp cho đến khi đủ 4 lớp. Lớp trên cùng rắc giống đều trên toàn bộ bề mặt. mỗi bịch cấy 40-50 gam giống nấm.
– Dùng bông sạch cuộn thành nút bằng miệng chén uống nước để nút túi, sau đó buộc miệng bằng chun nịt.
– Trọng lượng túi nặng 2,2 kg – 2,4 kg (mùa hè); 2,5 – 2,8 kg (mùa đông).
– Lượng giống cấy: 1 túi giống 500gram đóng được từ 8-10 bịch.  40 – 45 kg giống cho một tấn nguyên liệu rơm rạ khô. Một tấn nguyên liệu đóng được 950 – 1000 bịch nấm (mùa hè); 800 – 850 bịch (mùa đông).
3. Ươm bịch nấm, nuôi sợi
3.1. Chuẩn bị nhà xưởng
– Vệ sinh xung quanh khu vực ươm và khu vực nuôi trồng
– Dùng nước vôi đặc quét tường, vôi bột rắc nền khu vực nuôi trồng.
– Xông Foocmôn; pha dung dịch foocmôn 5% (1 lít foocmôn trong 8 lít nước) phun dạng sương phun từ trong ra ngoài cửa, phun xong bịt ô thoáng và đóng kín cửa 2 ngày, sau đó mở cửa tới khi hết mùi mới dùng.
3.2. Ươm bịch nấm
– Sau khi cấy giống xong chuyển ngay các bịch vào nhà ươm sợi. Xếp các bịch nấm cách nhau 3 – 5 cm, có thể làm giàn giá để tận dụng diện tích.
– Nếu trời quá lạnh (nhiệt độ < 15 0C ) cần che chắn nilon xung quanh hoặc đóng kín cửa để giữ ẩm, ấm.
– Thời gian ươm bịch nuôi sợi từ 20 – 30 ngày tùy theo mùa.
4. Rạch bịch, chăm sóc, thu hái
4.1. Rạch bịch
– Khi thấy sợi nấm ăn kín từ trên xuống đáy và bịch nấm có màu trắng đồng nhất thì rạch bịch đưa ra treo.
– Cách rạch: Bỏ nút bông, nén nhẹ bịch nẩm rồi buộc lại bằng dây chun. Tiến hành rạch từ 6 – 8 vết rạch quanh túi, rạch so le nhau chia đều quanh bịch, vết rạch dài 3 – 4 cm, sâu 0,2 – 0,3 cm. Rạch theo chiều dọc hoặc chéo.
– Sau đó xếp bịch trên sàn, trên giàn giá hoặc treo bịch để tiết kiệm diện tích. Bịch nọ cách bịch kia 15 cm để có không gian cho nấm mọc.
4.2. Chăm sóc
– Hàng ngày tưới ẩm nền và xung quanh.
– Sau 4 – 6 ngày, mầm xuất hiện ở vết rạch. Lúc đó ta tưới phun sương trực tiếp vào bịch nấm, giữ ẩm đều, mỗi ngày tưới 2 – 3 lần. Lượng nước tưới và số lần tưới điều chỉnh cho phù hợp để lúc nào cũng có một lớp nước ẩm trên mũ nấm.
4.3. Thu hái và chế biến nấm sò
– Nấm sò mọc thành cụm, khi hái ta hái cả cụm, không để sót gốc.
– Hái nấm đúng độ tuổi (khi nấm có đường kính mũ 3 – 5 cm).
– Sau khi thu hái 1 đợt ngừng tưới nước 5 – 7 ngày để nấm mọc ra mầm quả thể lại chăm sóc tiếp lứa 2, lứa 3.
– Chế biến nấm: Nấm hái xong, dùng dao cắt sạch gốc. Tuy theo mục đích sử dụng, nấm được chế khác nhau.
+ Nấm ăn tưới: Đóng nấm vào túi polyethylen (1 kg/túi) tránh giập nát rồi chuyển đi tiêu thu.
+ Phơi hoặc sấy khô: Dùng tay xé nhỏ cây nấm làm 2 – 3 phần theo chiều dọc, đem phơi hoặc sấy ở nhiệt độ 400C rồi tăng dần đến 60oC tới khi nấm giòn, có mầu tự nhiên. Cho nấm vào 2 lượt túi nilon buộc chặt, để nơi khô ráo.
 5. Sâu bệnh hại nấm.
*Chuột: Bẫy chuột, đánh bả
*Côn trùng (ruồi, gián, mối)
– Dọn sạch các túi nấm đã thu hái
– Vệ sinh, quét dọn sạch sẽ sau mỗi lứa nấm, mỗi đợt nuôi trồng.
*Các loại nấm mốc gây nhiễm bệnh trong bịch nấm.
– Dùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng.
– Tuân thủ quy trình đảo, ủ đúng kỹ thuật.
– Cáy giống ở môi trường sạch sẽ.


2 nhận xét: