Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC MỘC NHĨ
Mộc nhĩ là một loài thực vật hạ đẳng, chúng không có rễ, thân, lá như cây thượng đẳng mà cơ thể của chúng là những sợi nhỏ màu trắng len lỏi trong rơm rạ, trong thân gỗ. Phần mà chúng ta thường nhìn thấy và ăn được gọi là cây nấm bản chất chính là quả thể của nấm, nó tương đương với bông hoa ỏ cây thượng đẳng, các bào tử nấm tương đương với hạt của cây thượng đẳng.
Mộc nhĩ đen

I - ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA MỘC NHĨ
          Mộc nhĩ là gì? Tại sao lại gọi là mộc nhĩ: “mộc” có nghĩa là gỗ, “nhĩ” là tai. Vậy mộc nhĩ là tai gỗ. Ở phía Nam người dân còn gọi là nấm  mèo hay nấm  tai mèo.
          Mộc nhĩ có tới 10 loài. Các loài phổ biến là loài cánh mỏng (Auricularia auricula) và loài cánh dày (Auricularia polytrichee). Chúng là một loại nấm  ăn mọc phổ biến ở vùng có khí hậu nóng ẩm.
          Mộc nhĩ là một loài thực vật hạ đẳng, chúng không có rễ, thân, lá như cây thượng đẳng mà cơ thể của chúng là những sợi nhỏ màu trắng len lỏi trong rơm rạ, trong thân gỗ. Phần mà chúng ta thường nhìn thấy và ăn được gọi là cây nấm  bản chất chính là quả thể của nấm, nó tương đương với bông hoa ỏ cây thượng đẳng, các bào tử nấm  tương đương với hạt của cây thượng đẳng.

          Mộc nhĩ thường có màu nâu hồng (hồng thịt) tới nâu đen. Khi khô có thể phân biệt rõ 2 mặt trên và dưới. Mặt trên thường có một lớp lông mịn nhỏ li ti, còn mặt dưới chứa các bào tử. Khi cây mọc nhĩ đã già, bào tử có thể phát tán đi theo gió tới chỗ gặp điều kiện thuận lợi (có ẩm,Cellulose) chúng sẽ mọc ra khuẩn ty (là một sợi trắng nhỏ xíu) sau đó hình thành mộc nhĩ. Chính vì vậy vào đầu mùa mưa khi vào rừng chúng ta thường gặp mộc nhĩ trên các thân cây gỗ mục.
          Ở mộc nhĩ có một hệ men Cellulose rất phát triển, hệ men này phân hủy gỗ để làm thức ăn nuôi chúng. Vì vậy ở đâu giàu Cellulose và lignhin thì đó là nơi mộc nhĩ có thể sinh sống và phát triển đặc biệt là khi có độ ẩm. Do đó người ta có thể trồng mộc nhĩ trên mùn cưa, thân cây gỗ, vỏ dừa, rơm rạ…
          Ghi chú:
*Cellulose là hợp chất cao phân tử được cấu tạo từ các liên kết các mắt xích β-D-Glucose, có công thức cấu tạo là (C6H10O5)n hay [C6H7O2(OH)3]n trong đó n có thể nằm trong khoảng 5.000-14.000, là thành phần chủ yếu cấu tạo nên vách tế bào thực vật và chiếm tới 50% tổng lượng Hydrocarbon trên trái đất.
*Lignhin là một hợp chất cao phân tử đặc biệt của thực vật, thường tập chung ở các mo hóa gỗ, là chất kết dính tế bào, làm tăng độ bền cơ học chống thấm nước qua vách tế bào mô xylem, ngăn cản sự xâm nhập của các vi sinh vật gây hại cho tế bào.
          Các kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng các chất trong các loài mộc nhĩ có khác nhau. Ở loài mộc nhĩ cánh dày sau khi phơi khô có thành phần các chất như sau:
Độ ẩm
15%
Protein
7%
Chất béo
0,8%
Hydat carbon
70%
Ngoài ra còn có một số loại vitamin như: B1, B2, C…
Khoảng 8 – 10kg mộc nhĩ tươi thu được 1kg mộc nhĩ khô. Một khối gỗ khi trồng có thể thu được 12 – 15kg mộc nhĩ khô.
          Sự phát triển của mộc nhĩ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, pH…
          Nhiệt độ thích hợp để mộc nhĩ phát triển là từ 25 – 32oC. Khi nhiệt độ lên trên 35oC hoặc dưới 15oC thì mộc nhĩ phát triển kém và cho năng suất thấp. Thường quan sát thấy các biểu hiện như mộc nhĩ mọc thưa dần, cánh mỏng, cây nhỏ và mép xoăn nhiểu, khi nhiệt độ xuống thấp mộc nhĩ có cánh dày hơn nhưng quả thể nhỏ và lông dài hơn.
Độ ẩm của giá thể trồng mộc nhĩ (mùn cưa, thân cây gỗ..) thích hợp nhất để trồng mộc nhĩ là 60 - 65%. Độ ẩm không khí ở nơi trồng mộc nhĩ vào khoảng 90 – 95%. Nếu khô quá hoặc ẩm quá đều không tốt.
Mộc nhĩ có thể mọc trong môi trường có độ pH  dao động từ 4 – 12. Trong giai đoạn đầu khi ủ sợi cần để trong môi trường acid yếu, tới khi mộc nhĩ mọc ra thì nó ưa môi trường trung tính tới kiềm.
Khi mới trồng mộc nhĩ, tức là giai đoạn ủ sợi  nên giữ chúng trong điều kiện thông thoáng, tránh giữ chúng ở những nơi quá kín, bí hơi. Tới giai đoạn mộc nhĩ bắt đầu mọc cần giữ chúng ở điều kiện có độ thông thoáng vừa phải. Nếu để thông khí mạnh mộc nhĩ sẽ phát triển chậm, cánh mỏng, đôi khi có thể làm chúng bị chết.
Mộc nhĩ không có khả năng quang hợp như cây xanh, chúng sống nhờ năng lượng phân hủy từ Cellulose của giá thể. Do đó về cơ bản chúng không cần ánh sáng. Tuy nhiên, trong các giai đoạn khác nhau cần điều chỉnh độ chiếu sáng sao cho phù hợp với sự phát triển của mộc nhĩ. Thời kỳ ủ sợi chỉ cần giữ chúng ở chỗ tối, điều kiện tối sẽ tăng cường sự phát triển của màng. Tới giai đoạn mộc nhĩ đã phát triển và mọc nhiều, phủ kín bề mặt giá thể thì tiếp tục nâng mức ánh sáng lên (tối đa là ánh sáng tán xạ tương đương với mức ánh sáng của một căn phòng có mở cửa thông thoáng). Đây là ngưỡng cuối cùng không nên tăng ánh sáng hơn nữa là do nếu cường độ ánh sáng quá mạnh thì mộc nhĩ có màu đen sẫm và kém phát triển, tuy nhiên nếu để trong điều kiện quá tối chúng sẽ có màu trắng và cũng kém phát triển. Vì vậy bằng cách nhìn màu của cánh mộc nhĩ ta có thể điều chỉnh để có độ chiếu sáng thích hợp. Khi thấy cánh mộc nhĩ (quả thể nấm ) có màu hồng thịtlà tốt nhất.
Mộc nhĩ có khả năng phát triển tốt trên rất nhiều loại nguyên liệukhác nhau như: Các loại cây gỗ mềm có nhựa mủ trắng, không có tinh dầu, không độc nhưu mùn cưa, vỏ lạc, trấu, rơm rạ…Chính nhờ hệ men Cellulose rất mạnh có trong mộc nhĩ mà chúng có thể sử dụng nguồn Hydrat carbon dồi dào có trong nguyên liệu để chuyển từ dạng khó tiêu sang dạng dễ tiêu để mộc nhĩ có khả năng hấp thu được. Vào thời kỳ ủ sợi, nếu cung cấp thêm một lượng đạm vừa phải sẽ giúp mộc nhỉ phát triển mạnh hơn.

II - KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC MỘC NHĨ
          Mộc nhĩ có thể trồng trên nhiều loại giá thể khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là trên mùn cưa và trên thân cây gỗ.
2.1 Thời vụ trồng mộc nhĩ
          Ta biết rằng mộc nhĩ ưa khí hậu nóng ẩm, vì vậy việc trồng mộc nhĩ đúng thời vụ là rất quan trọng.
          Đối với các tỉnh phía Nam không có mùa đông nên có thể trồng mộc nhĩ quanh năm. Riêng vùng cao nguyên Nam Trung Bộ thì nên thực hiện như miền Bắc.
          Ở miền Bắc việc trồng mộc nhĩ thường bắt đầu vào cuối tháng 4 DL, tháng 5 ử sợi. Từ tháng 6 trở đi mộc nhĩ bắt đầu được thu hái kéo dài tới tận tháng 10 DL, nếu mộc nhĩ còn ít có thể thu hái nốt vào đầu tháng 11. Từ giữa tháng 11 trở đi, thời tiết bắt đầu se lạnh, không thích hợp cho mộc nhĩ phát triển.
          Một cây gỗ tuơi và nặng ban đầu phải 2 người khiêng tới khi mộc nhĩ mọc hết thì có thể nhấc lên nhẹ nhàng, đó cũng là thời điểm kết thúc một chu kỳ trồng mộc nhĩ.  Với 1m3 gỗ có thể thu được 12 – 15kg mộc nhĩ khô. Nếu không đạt được năng suất trên thì cây gỗ vẫn còn nặng và phải xem xét lại một số kỹ thuật trong quá trình trồng mộc nhĩ (giống, điều kiện chăm sóc). Lưu ý nếu khúc gỗ vẫn còn nặng (còn nhiều Cellulose) thì ta cũng không nên tận dụng để trồng lại mà sử dụng chúng làm củi đun.
2.2 Kỹ thuật trồng mộc nhĩ trên mùn cưa, rơm rạ
Mộc nhĩ trồng trên bịch mùn cưa
2.2.1 Xử lý nguyên liệu
          Sử dụng các loại mùn cưa từ cây bồ đề, cao su, gòn, gáo, sung…không sử dụng mùn cưa bị mốc hoặc mùn cưa của những cây có tinh dầu. Mùn cưa thu gom xong đem phơi ngay cho khô ráo và thoáng tránh bị mốc.
          Khi bắt đầu trồng phải làm ướt chúng bằng nước nước vôi 1- 2% (cứ 10 lít n­ước hòa với 100-200g vôi bột). L­ưu ý, chỉ nâng độ ẩm lên 65-70% là tối đa. Nếu ẩm quá hoặc khô quá, mộc nhĩ đều mọc không tốt. Theo kinh nghiệm, cứ 10kg mùn cư­a khô trộn với 6 lít nước (có hòa vôi bột rồi), có thể trộn thêm đạm urê hoặc sunphát amôn với tỷ lệ 0,5-1% và đ­ường saccarô (đ­ường mía) 0,5% so với trọng l­ượng khô của mùn c­ưa. Tức là 1 tạ mùn cư­a khô cần trộn thêm 0,5-1kg đạm và 0,5kg đư­ờng. Các chất này có nhiệm vụ xúc tác cho sợi nấm mọc nhanh.
         Với mạt cưa gỗ cứng thì phải ủ và đảo trước sau cả chục lần mới dùng được, nghĩa là phải mất từ 4–5 tháng. Ngoài ra, còn trộn thêm một số chất dinh dưỡng khác như cám gạo (3–5%), hột bắp hoặc cùi, thân cây bắp xay nhuyễn (3–6%), vôi (0,5%), Super photphat (0,5%), phân Urê (0,1%). Tất cả các thành phần trên trộn lẫn với nhau rồi cho vào bịch nilon loại dày (cỡ 0,12 mm) chịu được nhiệt độ cao, vì phải qua khâu hấp khử trùng với nhiệt độ cao trong suốt mấy giờ liền.
          Sau khi đã trộn ẩm, vun mùn cưa lại và ủ thành đống, mỗi đống khoảng 1 tạ trở lên. Duới đáy đống ủ nên lót một lớp vật liệu dễ thoát nước (dát tre, nứa, cót). Thời gian ủ từ 30 – 45 ngày. Sau khi ủ 15 – 20 ngày đảo đống ủ cho đều làm như vậy tạo điều kiện thông thoáng để các vi sinh vật hảo khí hoạt động mạnh và phân hủy nhanh Cellulose, sau đó tiếp tục vun lại và ủ cho hết thời gian mới đưa vào túi nilông.
        Nguyên liệu là rơm rạ: Rơm rạ phải tươi tốt phơi khô rồi chặt thành từng khúc ngắn độ 5–6 cm, ngâm vào nước cho mềm, vớt ra để ráo. Do rơm rạ không đủ chất bổ dưỡng nên ta trộn thêm các thành phần dinh dưỡng khác như vôi (1%), phân trâu bò, gà vịt (5%), Super lân (1%), Muối epsom MgSO4. 7H2O (0,1%) rồi chất thành đống cao, nén chặt xuống mà ủ kín (dùng nilon phủ lên trên).
        Ủ như vậy vài ba ngày rồi xáo đều. Sau đó chất đống ủ lại, vài ngày lại đảo kỹ. Làm như vậy độ 3, 4 lần thì dùng trồng nấm được. Ngoài ra, bổ sung thêm 5–10% cám gạo hoặc bột xay từ hạt bắp hay thân bắp, cùi bắp. Trồng nấm mèo bằng rơm rạ có ưu thế hơn trồng bằng mạt cưa và nấm có mùi vị thơm hơn nên được khách hàng ưa thích. 
2.2.2 Chuẩn bị túi nilông
*Chuẩn bị túi nilong
Chọn túi nilông chịu nhiệt vì còn phải trải qua công đoạn hấp giá thể để khử trùng, kích thước túi có thể là:
-         Loại 20 x 37cm chứa được 1,3 – 1,5kg mùn cưa ẩm.
-         Loại 25 x 40cm chứa được 1,5 – 1,8kg mùn cưa ẩm.
-         Loại 25 x 50cm chứa được 2,5 – 3,0kg mùn cưa ẩm.
Túi nilông cần chuẩn bị trư­ớc, cẩn thận có thể gắn dính 2 góc mép đáy túi lại.
Khi cho mùn c­ưa vào túi nilông, nó sẽ tạo ra đáy có hình chữ nhật. Cũng có thể nghiêng túi cho mùn cư­a vào, lấy tay ấn vào hai núm của túi để tạo ra đáy có hình chữ nhật.
Mỗi túi nilong cần phải tạo cổ bịch, có thể dùng bìa các tong cuộn tròn, ống trúc cắt ngắn hoặc ống nhựa có đường kính 3 – 5cm và cao khoảng 2 – 3cm. Cho mùn cưa vào dần, vào đến đâu dồn chặt đến đấy. Lưu ý phải để túi căng đều, không dồn mùn cưa vào đầy tràn mà để chừa phía trên 1 đoạn 5 – 7cm về phía miệng túi để luồn cổ bịch, sau đó túm đầu túi nilong và cho luồn qua cổ bịch, bẻ quặt xuống để cổ bịch nằm giữa 2 lớp nilong. Sau đó dùng dây chun buộc chặt cổ bịch, lấy bông không thấm nước vê tròn thành nút và nút chặt vào cổ bịch, lấy giấy báo chùm lên và nút buộc lại.
*Khử trùng:
          Các túi nilong sau khi cho giá thể được hấp cách thủy trong thời gian 4 – 5 giờ, nâng nhiệt độ lên 120 – 125oC trong vòng 90 phút, nếu không có nồi hấp chuyên dùng có thể hấp bằng thùng phuy dung tích 200 lít trở lên. Dưới đáy thùng lót 1 lớp gỗ để đun cách thủy. Sàn gỗ xếp cách đáy khoảng 20cm, dưới đó đổ 1 lớp nước cao 15cm, xếp các bịch mùn cưa vào tạo thành các lớp chồng lên nhau. Có thể được 80 – 90 bịch/thùng.
2.2.3 Cấy giống và ươm
Sau khi hấp xong, để nguội và dỡ bịch ra. Giữ bịch ở bên ngoài 3 – 4 ngày cho nguội hẳn rồi mới cấy giống. Giống thường được nhân bằng cọng sắn (thân cây sắn được cắt khúc và chẻ nhỏ, hấp vô trùng sau đó cấy giống mộc nhĩ vào), giống được đựng trong các lọ thủy tinh hoặc túi nilong buộc kín.
Tháo nút ở các bịch mùn cưa và lấy một thanh cây sắn đã nhiễm giống mộc nhĩ và ấn sâu vào giữa bịch mùn cưa. Sau đó nút lại bằng nút bông và buộc giấy báo chùm ra ngoài. Công việc cấy giống phải tiến hành thật nhanh và trong điều kiện vô trùng tránh sự xâm hại của các loại nấm  gây hại. Sau đó xếp các bịch đã cấy giống vào giá thể hoặc xỏ thành xâu treo lên.
Chỗ để bịch phải sạch sẽ thông thoáng, nhiệt độ thích hợp 25 – 32oC. Thời gian ủ sợi kéo dài 20 – 25 ngày. Sau thời gian này các sợi nấm  sẽ mọc loang dần ra cả bịch mùn cưa. Sợi nấm  mọc đến đâu thì trắng đến đấy. Khi nào thấy cả bịch mùn cưa trắng như bông thì lúc đó kết thúc giai đoạn ủ sợi.
2.2.4 Chăm sóc và thu hái
Bào tử quả (cánh mộc nhĩ) ưa điều kiện hiếu khí để phát triển. Vì vậy dùng dao sắc rạch xung quanh quanh bịch 4 - 5 vết, mỗi vết dài 4 – 5cm. Lưu ý khi rạch chỉ rạch túi chứ không rạch sâu vào cơ chất (giá thể) của bịch nilong, nên rạch theo đường thẳng đứng hoặc theo đường xoắn ốc quanh bịch.
Sau khi rạch khoảng 1 tuần mộc nhĩ sẽ mọc ra chi chít tại các điểm rạch. Lúc này cần tiến hành phun ẩm liên tục trong nhiều ngày.
Dùng nước sạch, dùng bình bơm chuyên dùng phun duới dạng sương mù. Chú ý số lần phun tùy vào điều kiện thời tiết và khả năng sinh trưởng của nấm. Về nguyên tắc nếu trời nắng nóng thì nấm  mọc ra nhiều, lúc đó cần tưới thường xuyên hơn, và độ ẩm không khí ở khu vực này luôn giữ ở mức 80 – 95%, độ ẩm giá thể 60 – 65% là tốt nhất.
Nhìn chung khi thấy cánh mộc nhĩ khô nước là lại tiếp tục phun ngay, không được mở miệng túi nilong để tưới nước vào bên trong, làm như vậy sẽ gây lên hiện tượng sũng nước và thối sợi nấm.
Ánh sáng khu vực để bịch nấm  phải là ánh sáng tán xạ tuy nhiên cũng không nên để tối quá, lượng ánh sáng vừa đủ nhìn thấy nấm để hái, cường độ ánh sáng cao sẽ làm nấm  kém phát triển. Độ thoáng của không khí vừa phải, tránh để gió lùa mạnh sẽ làm sợi nấm  mau héo.
Nấm  mọc khá nhanh, nếu làm bịch tốt quá trình thu hoạch có thể kéo dài 2 – 3 tháng. Chú ý sau mỗi đợt thu hái ngừng tưới vài ngày. Làm như vậy thì khi tưới ẩm trở lại nấm  sẽ mọc ra to hơn.
2.2.5 Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Mộc nhĩ sau khi thu hoạch nên rửa sạch bằng nhiều nước rồi đem phơi khô, sau đó nên ngâm mộc nhĩ qua đêm với một ít vỏ quýt, vỏ cam rồi vớt phơi khô, làm như vậy sẽ thu được mộc nhĩ có màu nâu hồng hấp dẫn và không bị đen.
Khi thấy bịch nấm  nhẹ tênh, tức là nấm  đã ra hết, dỡ bịch ra, trộn bã còn lại với phân làm phân bón cho cây trồng sẽ rất tốt. Sau mỗi chu kỳ trồng mọc nhĩ nên làm vệ sinh cả khu vực.
2.2.6 Một số loại bệnh và cách phòng trừ
Trong quá trình trồng mộc nhĩ trên mùn cưa thường xuất hiện một số loại bệnh như nấm  mốc xanh, mốc vàng hoa cau, mốc đen. Các loại mốc này phát triển đồng thời với sợi nấm. Chúng có thể lấn át và làm chết hoàn toàn sợi nấm. Nấm  mực cũng có thể xuất hiện. Chúng có nón nấm  nhỏ 1 – 2cm và màu đen, cọng nấm dài, màu trắng mọc ngay trong túi nilong và cạnh tranh chất dinh dưỡng với mộc nhĩ.
Nguyên nhân dẫn đến các bệnh nói trên là do khâu xử lý nguyên liệu (không đủ thời gian hấp). Mùn cưa khi thu về bị nhiễm các loại nấm, mốc chúng sẽ cùng sinh sống và cạnh tranh với mộc nhĩ được cấy vào. Ngoài ra nếu độ ẩm trong túi quá cao cũng sẽ kích thích bệnh phát triển.
Vì vậy để phòng trống các loại bệnh trên cần hết sức coi trọng khâu xử lý nguyên liệu. Khi hấp cần đảm bảo đủ thời gian và nhiệt độ đã quy định. Nhà xưởng phải được vệ sinh thường xuyên và giữ cho thoáng mát sau mỗi đợt nuôi trồng. Nếu thấy bịch nào xuất hiện bệnh biện pháp tốt nhất là loại ra hoặc cách ly.

2.3 Kỹ thuật trồng mộc nhĩ trên thân cây gỗ
Mộc nhĩ trồng trên thân gỗ
2.3.1 Chọn gỗ
          Có rất nhiều loại gỗ có thể trồng được mộc nhĩ. Tuy nhiên các loại gỗ cây có chứa nhựa mủ màu trắng, gỗ mềm, xốp, không độc, không có tinh dầu là loại tốt nhất. Có thể nêu ra một số loại cây gỗ như: Sung, mít, vả, ngái, bồ đê, đa búp đỏ, si, dâu da xoan, cao su, cau, dừa, keo…
          Thông thường để tăng thời gian thu hoạch, tăng năng suất thì cần phải chọn những loại gỗ tươi, không nên trồng các loại gỗ đã khô, không nên chọn những loại gỗ quá to hoặc nhỏ tốt nhất là chọn các đoạn thân gỗ có đường kính từ 10 – 20cm là tốt nhất, cưa thành từng đoạn dài từ 1,2 – 1,5m. Gỗ sau khi cắt để 7 – 10 ngày để nhựa cây chảy ra ngoài.
2.3.2 Dụng cụ và giống
Để trồng mộc nhĩ trên thân cây gỗ phải dùng loại búa chuyên dụng để đục lỗ trên thân cây, không nên dùng khoan hoặc đục của thợ mộc. Loại búa chuyên dụng này ở phần đầu có mũi khoan và có đường phôi gỗ bật được ra ngoài. Đường kính mũi khoan 1,2 – 1,5cm.
Giống là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại. Giống mộc nhĩ thường được cấy trong mùn cưu bồ đề. Người ta đưa mùn cưa vào các bao nilong chịu nhiệt và khử trùng bằng nội hấp, sau đó cấy giống vào. Giống sẽ ăn loang ra toàn bộ mùn cưa trong bao nilong, khi đó bao mùn cưa có màu nâu trắng chính là màu của sợi nấm , khi nào màu trắng loang tới tận đáy của bịch nilong là tốt nhất.
Cần chú ý giống mộc nhĩ không giữ được lâu. Nếu để lâu chúng sẽ bị già có màu vàng nâu, dần dần thấy chúng có những đốm nâu đỏ như đầu đinh. Đó chính là các cánh mộc nhĩ khi còn non. Mộc nhĩ này sẽ mọc ngay trong bịch giống và giống đó sẽ không sử dụng được nữa. Vì vậy khi nhận giống cần phải chú ý lựa chọn, nếu chưa chặt cây sẽ lấy giống non một chút. Giống non là giống mới ăn loang trắng được một phần> Phần còn lại có màu nâu của mùn cưa. Đối với giống đã ăn xuống đáy rồi thì nên giữ thêm tối đa một tuần nữa, tốt nhất nên dùng giống vừa loang xuống kín đáy. Tuyệt đối không dùng giống đã già và giống đã bị nhiễm. Giống bị nhiễm rất dễ phát hiện, thường thấy trong chai giống hoặc túi nilong đựng giống có những đám màu xanh, màu nâu hoặc màu đen đó chính là các loại nấm, mốc đã lọt vào và gây nhiễm do khâu khử trùng không tốt.
2.3.3 Cách trồng
Gỗ sau khi chặt hạ được cắt thành từng đoạn có độ dài 1,2 – 1,5m, xếp vào chỗ dâm mát, sạch sẽ từ 7 – 10 ngày cho ra hết nhựa mủ.
Pha một chậu nước vôi đặc, lần lượt nhúng hai đầu của các đoạn gỗ đã chặt vào nước vôi (chỉ cần nhúng với độ sâu 2 – 3cm là vừa), các vị trí bị sây sát trên thân gỗ cũng nên thấm nước vôi vào để ngăn chặn các loại nấm, mốc khác xâm nhập, sau đó để 3 – 4 ngày mới đục lỗ để cấy giống.
Dùng búa chuyên dụng để đục lỗ, lỗ đục phải vuông góc với thân cây gỗ, các lỗ đục dọc theo thân cây gỗ, hàng cách hàng 7 - 10cm, lỗ cách lỗ 15 – 20cm, lưu ý nên đục so le nhau.
 Cấy giống: lấy giống ở các bịch nilong ra tra vào các lỗ, mỗi lỗ cho đầy khoảng 2/3 chiều sâu của lỗ (lượng giống bằng khoảng 2 – 3 hạt ngô). Sau đó lấy phôi gỗ đã đục nút vào lỗ (lút gỗ phải được khử trùng), dùng búa tán nhẹ nút gỗ sao cho bằng bề mặt thân cây gỗ. Nếu cận thận hơn có thể hòa xi măng đặc vừa phải và bôi lên mặt nút, nhất là khoảng kẽ hở xung quanh nút tránh sự xâm nhậ của nấm  và côn trùng gây hại.
          Sau khi đã tra giống, cần xếp gỗ vào chỗ ươm, các cây gỗ xếp theo kiểu cũi lợn, dưới đáy có kê gạch, xếp thành từng chồng cao 1,5m. Lấy bao tải hoặc chiếu rách phủ lên đống gỗ để che nắng mưa không cho nắng mưa tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên nếu thời tiết khô nóng cần tuới ẩm định kỳ cho nấm.
          Sau 25 – 30 ngày nấm  phát triển, xung quanh lỗ xuất hiện các đốm trắng nhỏ bao kín, bên trong dày bên ngoài thưa dần thì đó chính là mầm mọc nhĩ đã mọc. Lúc này nên dỡ đống ủ ra và để dựng đứng các khúc gỗ vuông góc với mặt đất. Trong thời gian này cần tuới ẩm liên tục bằng cách phun dưới dạng sương mù tạo ra môi trường ẩm bão hòa nóng ẩm, vì vậy mỗi ngày cần phun ẩm nhiều lần tùy điều kiện thời tiết, không nên để cây gỗ bị khô.
          Để tạo điều kiện cho nấm  mộc nhĩ  phát triển tốt dùng 5ml chế phẩm sinh học “Vườn Sinh Thái” pha với 10 – 15 lít nước sạch để phun ẩm cho mộc nhĩ định kỳ 3 – 5 ngày/lần. Những lần còn lại phun nước sạch bình thường.
          Khoảng 5 – 7 ngày sau mộc nhĩ đã mọc lớn có thể cho thu hoạch. Khi hái mộc nhĩ không nên vặt mạnh mà nên xoáy tròn mộc nhĩ sẽ đứt ra, cái to thu trước nhỏ để lại. Quá trình thu hái sẽ kéo dài trong 5 – 6 tháng.
          Trong thời kỳ thu hái cứ khoảng 15 – 20 ngày, sau khi xong một đợt thu hái cần đảo gỗ một lần, đảo đầu trên xuống duới, dưới lên trên, ngoài vào trong, trong ra ngoài nhằm đảm bảo sự chăm sóc đồng đều, và các vị trí khác nhau trên khúc gỗ đều có độ ẩm giống nhau.
2.3.4 Một số loại sâu bệnh hại mộc nhĩ khi trồng trên thân gỗ
          Khi tiến hành trồng mộc nhĩ, thường ít gặp sâu bệnh. Tuy nhiên cũng phải chú một số loại sâu bệnh sau:
-     Vào thời kỳ đầu ươm gỗ thường có kiến, gián, cuốn chiếu, chuột…tới gây hại vì chúng rất thích mùi giống nấm  vì vậy cần có các biện pháp diệt hoặc xua đuổi chúng.
-     Một số loại nấm  mốc thường phát sinh ở giai đoạn ươm cho tới suốt giai đoạn mộc nhĩ ra. Phổ biến là loại nấm  mực, mốc xanh và bệnh “rễ tre”. Chúng cạnh tranh với mộc nhĩ và mọc ngay trên thân cây gỗ. Bệnh rất khó loại trừ, bệnh phát sinh do khâu vệ sinh chưa tốt hoặc để gỗ ứ đọng nước hay tiếp xúc với mặt đất.
-     Khi thu hoạch thường xuất hiện bệnh nhện nấm  (mites) và bệnh nhũn nhày do tuyến trùng gây ra. Bệnh này rất khó diệt trừ hoặc nếu có diệt được bệnh phải dùng các loại thuốc độc hại với người. Do đó cách tốt nhất là nên giữ gìn vệ sinh khu vực nuôi trồng nấm, tưới nước vừa đủ và khi phát hiện bệnh cần có biện pháp cách ly ngay hoặc loại bỏ.

III - KHỬ TRÙNG CƠ CHẤT TRỒNG MỘC NHĨ
            Nguyên liệu trước khi cấy giống cần khử trùng để diệt các mầm bệnh có thể hại nấm. Để việc làm này có kết quả, cần có sự phối hợp của ba yếu tố:
            - Chất lượng nguyên liệu sử dụng: nguyên liệu cũ, bị mốc, kích thước không đồng đều, thành phần phức tạp, thiếu ẩm… sẽ khó khử trùng hoặc phải khử trùng kỹ hơn. Ngoài ra, nếu bao bì bị bám bẩn, ở miệng hoặc vỏ bọc bên ngoài, nút bông bị ướt... đều dễ phát sinh nhiễm tạp.
            - Chế biến và ủ đống nguyên liệu: nguyên liệu trộn thêm các chất có tác dụng khử trùng như vôi, thuốc tím (Permanganat Kali - KMnO4)... giúp hạn chế một phần mầm bệnh. Trong quá trình ủ, nhiệt độ đống ủ tăng cao (60o- 80oC), cũng góp phần diệt nhiều vi sinh vật có hại. Quá trình ủ cũng làm nguyên liệu hút ẩm đồng đều hơn, cũng tạo nhiều thuận lợi cho việc khử trùng.
            - Cách thức khử trùng: phương pháp khử trùng phổ biến hiện nay là dùng nhiệt ẩm (có hoặc không có áp suất) và cần  thiết bị tương ứng. Dù phương pháp nào cũng đều phải đảm bảo nhiệt độ và thời gian khử  trùng thích hợp.
Một vài nơi còn sử dụng thùng phuy, nắp đậy được làm bằng nhựa và bao bố ướt. Nhiệt độ các nồi này thường không cao, khoảng 85- 90oC, do đó, phải kéo dài 5 - 6 giờ.
Nhiều nơi khác, hệ thống nấu dùng chảo có vỏ bọc bằng tôn, sắt, xi măng ... dạng hình khối hộp, cửa mở ra trước mặt. Nhiệt độ nồi thường không cao, khoảng 95o- 100oC, thời gian hấp từ 3-4 giờ.
Khu vực Long Khánh còn làm nồi khối tròn, có nắp đậy và ốc vặn chắc chắn, nhưng  nhiệt độ sử dụng khoảng  105oC  trong 2 giờ 30 - 3 giờ. 

IV - TRỒNG MỘC NHĨ NHƯ THẾ NÀO CHO CÓ NĂNG SUẤT
Năng suất nấm lệ thuộc bởi nhiều yếu tố, bao gồm:
            - Giống nấm.
            - Thành phần dinh dưỡng.
            - Điều kiện nuôi ủ và chăm sóc.
            - Phòng bệnh.
            1. Meo giống nấm
Muốn nâng năng suất nấm mèo, trước tiên phải có nguồn giống cung cấp tin cậy, còn lại là tùy thuộc kỹ thuật người trồng.
            2. Dinh dưỡng cho nấm
Liên quan đến loại mạt cưa (loại gỗ) và thành phần thêm vào. Thành phần này có thể cung cấp ngay từ lúc trộn nguyên liệu, nhưng cũng có thể bổ sung thêm vào giai đoạn  phát triển của quả thể. Dinh dưỡng trộn thêm vào nguyên liệu có thể là phân bón hoá học hoặc 1%  đường ăn hoặc khoáng như  Kali, Phosphat, Magnê... .  Ngoài ra, nhiều loại phân bón lá, như  N-P-K, Komix, Bimix, HVP... đều có thể dùng để tưới bổ sung cho nấm. Urê dùng tưới nấm rất tốt, nhưng khi phát sinh bệnh, nhất là mốc, phải ngưng ngay.  Tuy nhiên, quan trọng vẫn là khâu chế biến và ủ nguyên liệu. Nguyên liệu chuẩn bị tốt năng suất chắc chắn sẽ cao.
            3. Điều kiện nuôi ủ
Góp phần đáng kể trong việc nâng năng suất nấm. Nếu trong thời gian ủ tơ, nhiệt độ lên cao hoặc xuống thấp quá, cũng làm ảnh hưởng đến kết quả nuôi trồng, đặc biệt trong tình trạng thiếu oxy, tơ bị ngộp, tiết nước, năng suất giảm nhanh. Do đó, bịch nuôi ủ nên để thoáng, mật độ vừa phải, có cửa sổ để  gió lùa vào  phòng  làm  giảm  nhiệt  độ, nhưng  tránh nắng rọi trực tiếp . Khi tơ đã lan đầy bịch, bắt đầu chuyển sang giai đoạn tưới đón nấm. Giai đoạn này có nhiều vấn đề phải giải quyết:
            - Nên treo bịch hay xếp kệ?
            - Rạch bịch như thế nào?
            - Lúc nào bắt đầu tưới và tưới ra sao?
            - Nấm như thế nào thì thu hái được?
            Phổ biến hiện nay người nuôi trồng vẫn thích treo hơn để dàn kệ, vì đở tốn kém và dễ vệ sinh. Trong trường hợp ở nhà vườn, có thể kết hợp nuôi trồng nấm mèo dưới các tán cây, để giảm một phần chi phí xây dựng. Bịch treo thành từng xâu 5- 6 bịch, chiều cao không nên quá 1,6m, để dễ quan sát và chăm sóc.
            Để cho nấm “ có chỗ chui ra “, trên thành bịch phải rạch thành nhiều đường. Đường rạch không cần lớn, chỉ cần dài khoảng 2 cm, nhưng gồm nhiều đường (12- 15 đường), theo nhiều hướng xung quanh thành bịch. Đường rạch cần đủ rách bao nylon, không phạm sâu vào khối mạt cưa có tơ nấm.
            Sau khi, rạch khoảng sáu giờ là có thể tưới nước. Lúc này vết thương của tơ nấm ở các vết rạch đã có thể lành lặn. Đồng thời, nước tưới sẽ làm tăng ẩm độ và giảm nhiệt độ, kích thích nấm kết quả thể tốt hơn.
            Khi thịt nấm đã hình thành ở các lỗ rạch (dạng con sâu), cần giữ ẩm tốt  để quả thể phát triển bình thường. Nấm sẽ chuyển qua các giai đoạn của quá trình phát triển và trưởng thành, bìa mép mỏng dần và bắt đầu có hiện tượng dợn sóng là đến thời điểm thu hái. Thường người ta bón thêm dinh dưỡng vào lúc nấm dạng tách, để kích thích nấm tăng trưởng nhanh, hoặc tưới urê vào lúc nấm dạng dĩa,  để tăng trọng lượng quả thể và làm màu sắc nấm đẹp hơn. 
            4. Phòng bệnh
Là vấn đề lớn hiện nay, nhất là khi phong trào trãi rộng, nhà nhà trồng nấm. Với số lượng bịch nuôi trồng lớn và  trồng  quanh năm, nếu  không có  biện pháp phòng bệnh tốt, thì khó đạt được kết quả. Việc phòng bệnh bao gồm:
            - Chọn giống khoẻ
            - Xử  lý và khử trùng tốt nguyên liệu.
            - Giữ  môi trường nơi nuôi trồng thật vệ sinh. Nên rửa bịch trước khi rạch 2 giờ.
            - Hạn chế sử dụng thuốc sát trùng trực tiếp lên nấm.  Chỉ  nên  phun  thuốc  trừ  sâu  bệnh trước và sau khi nuôi trồng.
            - Nên phân lô (bịch tốt, bịch xấu) để tiện chăm sóc.
Có thể tóm tắt những việc nên làm vào không nên làm, khi nuôi trồng nấm mèo.

NÊN LÀM
NÊN TRÁNH
Chọn giống tốt
Meo giống không rõ nguồn gốc
Nuôi ủ tơ (bịch phôi) nơi thoáng, có ánh sáng nhẹ (không chiếu nắng).
Chồng chất bịch hoặc treo dày quá khi ủ (nấm bị ngộp, nhiệt độ tăng) hay tối quá (dễ phát sinh bệnh).
Thêm dinh dưỡng hoặc phân bón vào nguyên liệu.
Thêm hoá chất hoặc thuốc trừ sâu vào bịch phôi (để phòng bệnh)
Tưới nước sau khi rạch bịch 6 giờ, để hạ nhiệt và tăng ẩm độ, kích thích nấm kết quả thể.
Tưới nước ngay sau khi rạch hoặc để quá lâu (ba đến năm ngày), nấm yếu, dễ phát sinh bệnh.
Bón thêm dinh dưỡng cho nấm khi ra tai, để tăng năng suất.
Nấm thiếu dinh dưỡng (sẽ kéo dài quá trình ra tơ và thu hoạch)
Phun thuốc phòng bệnh nhàtrồng trước và sau khi đưa nấm vào tưới.
Phun thuốc bừa bãi trong lúc chăm sóc và tưới nấm, trừ khi phát sinh bệnh,  nên diệt tập trung.

            Hiện nay, với một bịch 1,5 kg có thể thu được trung bình từ 70- 90g nấm mèo khô.
Tóm lại, cần đảm bảo các điều kiện phù hợp với nhu cầu cho nấm và vệ sinh công nghiệp, thì mới thu được kết quả tốt nhất.

V - NHỮNG NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN THẤT BẠI KHI TRỒNG MỘC NHĨ
            Nấm mèo cũng giống như các ngành nông nghiệp (chăn nuôi và trồng trọt) khác, nếu không có những hiểu biết và chuẩn bị tốt, thì vẫn có thể bị thất bại.
            Nguyên nhân thất bại có thể  do các lý do sau:
            - Giống thoái hoá, nhiễm tạp, tai nấm nhỏ, năng suất kém. Do đó, tốt nhất nên chọn nơi có nguồn giống tin cậy để mua.
            - Nguyên liệu khử trùng không tốt, chổ ủ nóng và không vệ sinh, hoặc đôi khi do sơ ý, cấy giống vào khi bịch còn nóng. Làm tỉ lệ bịch hư hỏng cao.
            - Bịch phôi trong giai đoạn ủ tơ, nếu để chồng lên nhau hoặc chổ ủ không thông thoáng (bí hơi), nhiệt độ tăng cao, nắng chiếu trực tiếp... tơ đổ mồ hôi, tiết nước vàng. Đường rạch trên bịch quá dài, tưới nước giọt lớn, cũng là nguyên nhân làm năng suất nấm giảm và tuổi thọ bịch rút ngắn lại.
            - Dịch bệnh làm thất thu. Quá trình rạch bịch, nếu nơi treo nóng và khô, lại chậm tưới nước dễ phát sinh bệnh trứng (nhện mạt hay mites). Nhà trồng hoặc ủ, không vệ sinh hoặc gần trại gà, trại heo, thì dịch bệnh cũng có thể phát sinh và lây lan.
Tóm lại, so với chăn nuôi và trồng trọt, thì trồng nấm là tương đối nhàn hạ hơn, nhưng phải có những hiểu biết nhất định thì mới thu hái được kết quả tốt nhất.




VI - BỆNH Ở MỘC NHĨ VÀ CÁCH KHẮC PHỤC
            Cũng giống như nấm rơm, nấm mèo có thể bị một trong hai loại bệnh chính:  bệnh sinh lý và bệnh nhiễm.
            1. Bệnh sinh lý
            Nấm mèo có thể biểu hiện một số bệnh không do nhiễm khuẩn như: tơ thưa, sợi nấm mãnh, đầu hơi uốn khúc hoặc cuộn lại; tai nấm tạo cuống dài, kết chùm bông cải, tai khô cứng, đổi màu sậm hoặc màu nhạt, mỏng manh, mau già... Các biểu hiện trên thường liên quan đến yếu tố môi trường, như nơi trồng bị yếm khí (ngộp), nước tưới bị phèn, bị chua, nhiệt độ cao, thiếu ánh sáng, bị lạnh đột ngột..
            2. Bệnh nhiễm
            Phổ biến là do vi khuẩn, nấm bệnh... Tuy nhiên, côn trùng, tuyến trùng và nhện mạt (mites) cũng là đối tượng gây thất thu nặng, chúng ăn và cắn phá tơ nấm, lây nhiễm vi khuẩn, nấm mốc... Có thể diệt chúng bằng các thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, như : DDVP 2%, Azodrin 1%, nhiều nơi còn dùng Kelthan (Dicofol) 18,5%, Endosulfan (Thiodan) 2,5%, Karate 0,05- 0,07%, Trebon 10ND... 
            Đối với tuyến trùng, sử dụng Formalin (Formol) 0,2- 0,3%, Furadan 3H, Mocap...
            Đối với nấm mốc ký sinh lên nấm mèo, có thể dùng các thuốc diệt, như Bennomyl (Benlate - C) 0,1-0,2%, Sulfat sắt  0,02%, Macozeb (Dithane, Maneb), Zineb (Tritofboral) 7%...
            Đối với trường hợp nhiễm khuẩn (vi khuẩn) hoặc nấm nhầy (myxomyces), có thể dùng Chlorin (Hypoclorid Ca) 0,04- 0,05%, thuốc tím (KMnO4), Formol 0,2%...
            Tóm lại, nấm có thể bị nhiều bệnh khác nhau, nhưng tùy trường hợp nặng, nhẹ, lây lan hay không, mà có biện pháp phòng trừ thích hợp. Tuy nhiên, biện pháp dùng hoá chất vẫn không phải là tốt nhất đối với môi trường, do đó, chỉ dùng khi nào thật cần thiết. Để tránh bệnh cho nấm, căn bản vẫn là vệ sinh môi trường, giống gốc mạnh, dinh dưỡng đầy đủ và điều kiện nuôi ủ thích hợp.

 VII - QUY TRÌNH SỬ DỤNG CHẾ PHẨM “VƯỜN SINH THÁI” CHO MỘC NHĨ
1.Công dụng
Làm cho các sợi nấm phát triển nhanh, mạnh và đều, tạo ra cây nấm mập, tai nấm to và dày, màu sắc đẹp (màu hồng thịt đến nâu), hương vị chất lượng tốt, cho thu hoạch sớm và kéo dài thời gian thu hoạch, tăng năng suất 20% trở lên.
2 Cách sử dụng chế phẩm vườn sinh thái cho nấm  mộc nhĩ (nấm mèo)
2.1 Xử lý giá thể trồng nấm:
*Đối với giá thể là mùn cưa (mạt cưa):
- Tạo ẩm cho giá thể bằng dung dịch có pha chế phẩm “Vườn Sinh Thái”: Dùng 5ml chế phẩm “Vườn Sinh Thái” pha với 10 lít dung dịch nước vôi nồng độ 1 – 2% (cứ 10 lít nước sạch hòa với 100 – 200g vôi bột sẽ tạo được dung dịch nước vôi nồng độ 1 - 2%) pha thêm 100gram đường saccarose còn gọi là đường mía. Lưu ý chỉ nâng độ ẩm giá thể lên 65 – 70% là tối đa. Thông thường cứ 10kg giá thể mùn cưa khô trộn với 6 lít dung dịch đã pha theo tỷ lệ trên là vừa. Ngoài ra có thể bổ sung thêm 50 – 100g đạm Ure/10kg giá thể.
 - Ủ  giá thể: Sau khi đã trộn ẩm, vun mùn cưa lại và ủ thành đống, mỗi đống khoảng 1 tạ trở lên. Duới đáy đống ủ lót một lớp vật liệu dễ thoát nước (dát tre, nứa, cót). Thời gian ủ từ 30 – 45 ngày. Sau khi ủ 15 – 20 ngày đảo đống ủ cho đều, nếu thấy đống ủ thiếu độ ẩm có thể nâng độ ẩm lên 60 – 65% bằng dung dịch đã pha chế phẩm “Vườn Sinh Thái” như trên. Làm như vậy sẽ tạo điều kiện thoáng khí, bổ sung oxi để các vi sinh vật hảo khí hoạt động mạnh và phân hủy nhanh Cellulose, sau đó tiếp tục vun lại và ủ thành đống cho hết thời gian mới đưa vào túi nilông đóng thành bịch rồi đem hấp cánh thủy trong thời gian 4 – 5 giờ, và chú ý nâng nhiệt độ lên 120 – 125oC trong vòng 90 phút.
*Đối với giá thể là thân cây gỗ: Sau khi khử trùng các đoạn thân gỗ dùng 5ml chế phẩm “Vườn Sinh Thái” pha với 10 lít nước sạch phun đều trên các thân cây gỗ. Phun 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 1 ngày sau đó mới tiến hành đục lỗ.
2.2 Thời kỳ ủ sợi nấm(25 – 30 ngày)
*Đối với giá thể là mùn cưa (mạt cưa): Trong thời gian này các sợi nấm  sẽ mọc loang dần ra cả bịch mùn cưa. Sợi nấm  mọc đến đâu thì trắng đến đấy. Khi nào thấy cả bịch mùn cưa trắng như bông thì lúc đó kết thúc giai đoạn ủ sợi. Đến cuối thời kỳ ủ sợi tiến hành rạch túi, rạch xung quanh quanh bịch 4 - 5 vết, mỗi vết dài 4 – 5cm. Lưu ý khi rạch chỉ rạch túi chứ không rạch sâu vào cơ chất (giá thể) của bịch nilong, nên rạch theo đường thẳng đứng hoặc theo đường xoắn ốc quanh bịch.
*Đối với giá thể là thân cây gỗ: Trong thời kỳ này cần giữ ẩm cho thân cây gỗ tạo thuận lợi cho nấm  phát triển. Dùng 5ml chế phẩm pha với 10 – 15 lít nước sạch phun đều lên thân cây gỗ, cứ 3 – 5 ngày phun một lần tùy vào điều kiện thời tiết, số lần phun còn lại phun bằng nước sạch bình thường.
2.3 Thời kỳ phát triển sợi nấm (5 – 10 ngày) 
*Đối với giá thể là mùn cưa (mạt cưa): Sau khi rạch khoảng 1 tuần mộc nhĩ sẽ mọc ra chi chít tại các điểm rạch. Lúc này cần tiến hành phun ẩm liên tục trong nhiều ngày. Dùng 5ml chế phẩm “Vườn Sinh Thái” pha với 10 lít nước sạch phun đều 1 lượt. cách 3 – 5 ngày phun 1 lượt, các lần phun còn lại phun nước bình thường để duy trì độ ẩm.
*Đối với giá thể là thân cây gỗ: Sau thời kỳ ủ, sợi nấm  bắt đầu phát triển. Trong thời kỳ này cần tuới ẩm liên tục bằng cách phun dưới dạng sương mù tạo ra môi trường ẩm bão hòa, vì vậy mỗi ngày cần phun ẩm nhiều lần tùy điều kiện thời tiết, không nên để cây gỗ bị khô. Dùng 5ml chế phẩm sinh học “Vườn Sinh Thái” pha với 10 lít nước sạch để phun ẩm cho mộc nhĩ định kỳ 3 – 5 ngày/lần. Những lần còn lại phun nước sạch bình thường
* Chú ý:
- Trước khi sử dụng đọc kỹ hướng dẫn, lắc đều chai chế phẩm, dung dịch đã pha trộn không để quá 48h.
- Dùng bình sạch, bình chuyên dùng để phun sản phẩm, không phun chung với bình phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc trừ cỏ.
- Phun chế phẩm dưới dạng sương mù, phun đều 01 lượt, không phun đi phun lại nhiều.
- Việc phun nước có pha chế phẩm “Vườn Sinh Thái” chỉ phun 1 lần/ngày và 3 - 5 ngày phun đều 1 lượt vào lúc thời tiết mát mẻ. Số lần còn lại phun nước sạch, số lần phun tùy vào điều kiện thời tiết và khả năng sinh trưởng của nấm.
- Luôn chú ý duy trì độ ẩm không khí ở khu vực trồng mộc nhĩ ở mức 80 – 95%, độ ẩm giá thể 60 – 65% là tốt nhất.
- Trong quá trình chăm sóc tuyệt đối không được mở miệng túi nilong để tưới nước vào bên trong, làm như vậy sẽ gây lên hiện tượng sũng nước và thối sợi nấm.
- Sau mỗi đợt thu hái nên ngừng tưới vài ngày. Làm như vậy thì khi tưới ẩm trở lại nấm  sẽ mọc ra to hơn.

- Đối với những túi nấm mang bệnh thì cần tiêu hủy, cách ly khỏi khu vực trồng và không dùng chế phẩm để phun.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét